ĐÒI LẠI QUYỀN LỢI CỦA MÌNH THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

Thứ ba - 22/12/2020 11:29
Theo quy định của pháp luật dân sự thì khi có tranh chấp phát sinh, có kiện tụng thì Tòa án thụ lý giải quyết, nếu các bên không thể hòa giải, thương lượng được thì tranh chấp sẽ được đưa ra xét xử bằng một vụ án dân sự, kết quả của giai đoạn này sẽ là bản án dân sự hoặc một quyết định của Tòa cấp sơ thẩm.
ĐÒI LẠI QUYỀN LỢI CỦA MÌNH THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

Bản án hoặc quyết định của Tòa án sẽ mang tính chất là phán quyết cao nhất buộc các bên phải thi hành, nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế.

Tuy nhiên, có quyết định, bản án sơ thẩm chưa đồng nghĩa với việc kết thúc, chưa đồng nghĩa với việc một bên nào đó chính thức thua kiện. Mà thay vào đó bên có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa được đảm bảo có thể kháng cáo quyết định, bản án của Tòa sơ thẩm theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Theo quy định điều 270 BLTTDS thì: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”, tức là đương sự có quyền kháng cáo hoặc Viện trưởng Viện Kiểm Sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp  có quyền kháng nghị để vụ án được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

* Thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm:

1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm;

2. Sửa bản án sơ thẩm;

3. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;

4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;

5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm;

6. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, và đương sự không có quyền kháng cáo kháng nghị, chỉ có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ.

Vậy trong trường hợp nào thì được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm?

Căn cứ, điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm:

–  “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

– Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 327 của Bộ luật này; trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị” (điều 326 BLTTDS 2015).

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ bao gồm:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;

3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;

4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;

5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

– Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

– Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

– Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

– Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ” (điều 352 BLTTDS 2015).

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm sẽ bao gồm:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

Như vậy, mặc dù thua kiện ở giai đoạn sơ thẩm hay phúc thẩm thì các bên đương sự vẫn có cơ hội đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có quyền và lợi ích đó là chính đáng, đang bị xâm phạm và đáp ứng đủ các điều kiện như đã nêu trên để được xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

► Nếu cần được tư vấn, hỗ trợ thêm hãy liên hệ với Chúng tôi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây