Ký kết hợp đồng, giao dịch với người đại diện theo pháp luật vẫn bị vô hiệu?

Thứ hai - 07/12/2020 11:03
Không chỉ là ký kết hợp đồng, giao dịch với người không phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có nguy cơ bị vô hiệu mà còn có những trường hợp mặc dù ký kết với người đại diện theo pháp luật nhưng cũng chưa hẳn đã được pháp nhân thừa nhận.
Người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật

Vậy để làm rõ các vấn đề nêu trên thì trước hết Chúng ta sẽ cùng làm rõ một số khái niệm sau đây:

1. Người đại diện theo pháp luật.

Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”.

Tại điều 137 BLDS 2015 quy định:

– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

– Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.

Vậy, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật bao gồm những gì:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này” (điều 13 Luật doanh nghiệp 2020).

 2. Người đại diện theo ủy quyền.

Theo quy định tại điều 134 BLDS 2015 thì:

– “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

– Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

– Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện”.

Và “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (điều 138 BLDS 2015).

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Như vậy, thông thường các hợp đồng được giao kết giữa pháp nhân với pháp nhân hoặc pháp nhân với cá nhân tổ chức khác không phải là pháp nhân phải do người đại diện theo pháp luật của công ty ký kết. Người đó có thể là người do pháp nhân chỉ định, hoặc người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật…

Thông thường muốn biết pháp nhân (doanh nghiệp) đó ai là người đại diện theo pháp luật thì hãy xem thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vì trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của pháp nhân sẽ thể hiện đầy đủ thông tin về chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật…

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người đại diện cũng có thẩm quyền ký kết các hợp đồng, giao dịch của công ty và cũng không phải trường hợp nào người ký kết hợp đồng, giao dịch không phải là người đại diện theo pháp luật thì hợp đồng, giao dịch đó không có hiệu lực đối với pháp nhân.

* Xét một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp thứ nhất: Hợp đồng, giao dịch tuy được ký bởi đại diện theo pháp luật nhưng vẫn bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần nếu:

Tại điểm e khoản 2 điều 63 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ của giám đốc, tổng giám đốc:

“e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên”.

Mặt khác, điều 55 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên như sau:

“d) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.

Như vậy, nếu người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp là công ty TNHH hai thành viên trở lên mà tự ý nhân danh công ty ký kết các hợp đồng, giao dịch tại điểm d khoản 2 điều 55 Luật doanh nghiệp 2020 thì hợp đồng đó là vượt quá phạm vi đại diện. Các loại hợp đồng, giao dịch nói trên phải được Hội đồng thành viên thông qua trước khi ký kết với đối tác.

Hoặc các hợp đồng, giao dịch được ký giữa công ty và Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ…thì phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, nếu không được chấp thuận thì có thể bị tuyên vô hiệu.

* Đối với trường hợp các hợp đồng, giao dịch được ký với người không phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Như đã nói trên, theo quy định tại điều 134, 138 BLDS 2015 thì: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Nếu pháp nhân đó đã ủy quyền bằng văn bản cho một cá nhân cụ thể nào đó có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, thì cá nhân này hoàn toàn có quyền thay mặt pháp nhân ký kết các hợp đồng, giao dịch trong phạm vi được ủy quyền.

Tuy nhiên, dù là trường hợp nào thì để đảm bảo về mặt pháp lý, cũng như quyền lợi của mình thì trước khi ký kết hợp đồng, giao dịch với một pháp nhân bất kỳ các bạn nên xem xét kỹ lưỡng các giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ, quyết bổ nhiệm, giấy ủy quyền….

► Để được tư vấn, hỗ trợ thêm, hãy liên hệ với Chúng tôi.

 : nguy cơ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây