Tôi là nạn nhân của chính mình

Thứ ba - 02/11/2021 11:14
Chúng ta vẫn thường nghe nói: tôi là nạn nhân của một chế độ hà khắc nào đó, hay tôi là nạn nhân của một cuộc ly dị bất ngờ, hoặc nữa, tôi là nạn nhân của một sự hiểu lầm đáng tiếc…
Tôi là nạn nhân của chính mình
Nhưng chúng ta ít khi nhìn nhận: Tôi là nạn nhân của chính mình. Thật vậy, chúng ta dễ đổ lỗi cho một chế độ, hoàn cảnh gia đình hay người khác mà bỏ qua một điều hệ trọng là việc nhìn nhận sự thiếu sót nơi bản thân mình. Chính khi không ý thức đủ về tính trầm trọng của vấn đề mà bản thân lại trở thành nạn nhân của chính mình. Đó cũng là một trong những trớ trêu của cuộc sống như lời người xưa cảnh báo: Gậy ông đập lưng ông.

NHỮNG BIỂU HIỆN THÔNG THƯỜNG

Biểu hiện rõ nét nhất nơi mẫu người này: thường tỏ ra yếu thế như một cách gợi lên lòng cảm thương của người khác. Mở miệng ra, họ toàn nói những lời tiêu cực. Chính cách nhìn đời tiêu cực của họ về thế giới bên ngoài dễ bị biến thành những tấn bi kịch, và như thế, họ chưa kịp đối diện với thực tại đã chào thua vì nhìn nhận mình bất lực. Người khác có thể nhìn thấy họ luôn nhún nhường và chọn phần thiệt thòi về mình, tưởng rằng thế là khiêm tốn, nhưng kỳ thực, họ mang mặc cảm tự thâm tâm.

Họ dễ dàng đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh, như thể họ là kẻ vô tội lại mang thân phận dê sát tế. Như thế, họ vừa phủ nhận những bất lực của mình để thoái thác trách nhiệm, đồng thời, tạo quanh mình một sự tự vệ nào đó, vì mặc cảm bản thân dễ bị tổn thương. Một khi không dám đối diện với những vết thương của mình, họ tìm cách che giấu và băng kín vết thương; vô hình trung, họ làm cho vết thương càng mưng mủ và nhiễm trùng. Kết cục, vết thương ấy đã làm giảm đi nhịp sống vốn năng động của họ và gây cho họ những nỗi da diết khiến làm vương hại đến sự bình an trong tâm hồn.

Cũng từ đó, chúng ta suy ra lối họ tiếp cận và xử lý những thông tin cách vụng về, rối rắm và căng thẳng đến mức nào ! Dường như mọi sự đều trở nên nguy hiểm và là cạm bẫy đối với những kẻ mang tâm thức nạn nhân như họ. Từ đó, họ mất dần niềm tin tưởng xác đáng nơi người khác. Cuối cùng, họ quay quắt với chính mình: biến bản thân thành đối tượng cho những công kích tinh thần của chính mình. Họ tự trừng phạt và lên án chính mình. Họ lấy đau đớn làm niềm vui và lấy khổ đau làm khoái lạc. Đây là một hình thức khoái khổ mang tính hủy hoại bản thân. Gậy ông đập lưng ông là thế !

Trong khi mất dần sự tin tưởng nơi người khác, họ lại ám ảnh sợ bị cô đơn. Họ có xu hướng chối từ những ai đối xử tốt với mình, nhưng trong thâm tâm họ trông chờ vị cứu tinh nào đó giải thoát bản thân khỏi sự đày đọa chính mình. Và rồi, họ trấn áp tiếng nói bên trong để đáp ứng những nhu cầu của tha nhân. Họ làm việc không biết mệt mỏi để quên đi nhu cầu chính mình. Người khác có thể sai lầm khi cho họ là một nhà bác ái vĩ đại, song kỳ thực, họ là một người bất hạnh vì đánh mất chính mình khi phục vụ người khác. Chúng ta có thể nhận ra lý do họ khước từ người khác. Thật vậy, họ như người dở sống dở chết bên đường nhưng lại chối từ nghĩa cử cao đẹp của người Samaritano nhân hậu chỉ vì sợ người này khám phá ra sự nghèo nàn của bản thân.

Họ thường hay bối rối trong phán đoán và bạo động trong cách thế xử sự với mọi người. Đối với họ, không thể có một thế quân bình trong đời sống: tất cả đều là sự chống chế và giả dối để đạt cho được một sự yên thân tạm bợ nào đó mà bản thân không hề ước muốn. Đồng thời, chúng ta nhận ra cách sống bạo động của họ mang tính phá hủy hơn là xây dựng. Trước hết, họ phá hủy chính những dự phóng ước muốn của mình và đương nhiên trở thành kẻ bại trận. Kế đến, vì không làm chủ được tình hình, họ sống với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khiến tha nhân không hiểu được họ và dần dà trở nên xa cách. Sau hết, vì một chút tự ái cá nhân họ đã làm trì trệ tiến trình thực hiện của đại sự.

NGUYÊN NHÂN VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC

Ngoại tại

Yếu tố duy nhất bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến những nạn nhân này là gia đình. Thật vậy, chính hoàn cảnh éo le, khó khăn, tù túng…của gia đình mà những bậc phụ huynh vô tình hay hữu ý đã để lại trong tiềm thức của con trẻ những sự ngược đãi tưởng chừng không lối thoát. Vì quá nhỏ, nên các bé không thể hiểu được sự cần thiết phải có những đức tính nào để vượt qua. Ngay cả bố mẹ là những người hiểu biết nhiều cũng tỏ ra yếu thế và buông xuôi trong một thời điểm bế tắc nào đó. Điều này đã tạo nơi đứa trẻ một sự thụ động, nghĩa là tâm thức “chịu vậy” khi gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Một khi những đứa trẻ cảm giác bị ngược đãi mà không tìm ra lối thoát, nó sẽ quay về với chính mình để tự trách bản thân vô dụng như thể làm thỏa mãn chính mình cách trá hình. Rồi những đứa trẻ ấy lớn lên mang theo những hình ảnh tiêu cực và nghèo nàn về bản thân. Vô tình, chúng bị mặc định rằng thế giới này toàn những bất công và khổ đau. Và chúng tự nhủ: mình sinh ra đã là nạn nhân của bất công xã hội. Nhưng kỳ thực, chúng là nạn nhân của chính mình khi tỏ ra yếu thế và bất lực trước những đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng này, điều kiện trước tiên là đương sự cần đối diện với vấn đề và coi đó là một điều hệ trọng liên quan đến phẩm chất cuộc sống. Kế đến, họ cần ý thức rằng bản thân không thể thay đổi quá khứ nhưng phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của nó trong hiện tại, nghĩa là họ phải mang lấy vết thương của quá khứ và cần được chữa lành, nếu không nó sẽ di chứng và ảnh hưởng đến toàn thể đời sống hiện tại. Sau hết, khi bản thân đã ý thức tình trạng của mình và chấp nhận nó như là thành phần của đời sống, họ cần phải tìm ra một lối giải thích tích cực cho quá khứ đã qua và tha thứ cho những người liên hệ trong việc tác động đến sự việc mà đã gây tổn thương cho họ. Chẳng hạn, họ cần nhìn nhận và giải thích những giới hạn của cha mẹ mình khi các ngài đã quyết định ly dị. Mỗi người có một đời sống và thế giới riêng mà không ai có quyền xâm phạm và hiểu hết được, vì thế, đương sự cần giải thích tích cực về những thiện chí của bậc phụ huynh, từ đó, bản thân chủ động giải thoát và chữa lành chính mình nhờ việc tha thứ cho những gì đã qua.

Nội tại

Cũng từ những biểu hiện thông thường đã trình bày trên, chúng ta có thể rút ra một nguyên nhân sâu xa khởi đi từ chính bản thân mình, đó là các nhu cầu của con người trong cuộc sống. Cụ thể là nhu cầu an toàn, yêu và được yêu, và được tôn trọng. Có thể nói, chính khi nhu cầu an toàn không được thỏa mãn mà đời sống của họ không được bảo đảm để có thể cởi mở với thế giới, từ đó, họ muốn trở về với lòng mình hầu được an ủi khi nhớ lại những khoảnh khắc bình an. Điều này đã dẫn đến thái độ chạy trốn và ảo tưởng, từ đó, đương sự dần dà co cụm trên chính mình và ngược đãi bản thân cách bất công, họ là nạn nhân của chính mình.

Nếu hiểu hạnh phúc con người là yêu và được yêu thì những người mang não trạng nạn nhân lại tìm nó trong những hình ảnh và ý nghĩ tiêu cực của chính mình. Có lẽ, xu hướng yếm thế này giúp họ không cần phải cố gắng để kiếm tìm sự thỏa mãn bản thân cách tức thời. Trong khi đó, nhu cầu yêu và được yêu lại đòi buộc họ ra khỏi chính mình. Và nếu ra khỏi mình để nghĩ về người khác thì đó cũng chỉ là cách họ chạy trốn đối diện những nhu cầu cấp thiết của bản thân. Xem ra, họ càng lún sâu vào vực thẳm bất lực của chính mình.

Một khi không đủ tự tin để xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân, họ đã làm tổn hại đến lòng tự trọng. Nếu bản thân mình mà mình không tôn trọng đầy đủ thì không thể tìm sự tôn trọng đúng đắn nơi người khác. Quả thật, người ta có thể mất tất cả nhưng lòng tự trọng thì không, vì đó là đặc tính cốt yếu nhất nơi con người. Ở đây, nạn nhân của chính mình có thể đánh mất chính căn tính của mình khi không ý thức bản thân thuộc về Chúa vì được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ngay cả một người ăn xin cũng cần giữ lại một chút lòng tự trọng, còn người sống não trạng nạn nhân lại mơ hồ trong khái niệm này, đúng hơn, họ đã đánh tráo ý nghĩa của vấn đề ấy.

Với những nguyên nhân phát sinh từ việc chủ thể không được đáp ứng những nhu cầu trong quá khứ, họ đã biết bản thân cần phải đối diện thế nào. Một yếu tố hết sức quan trọng là họ cần thay đổi cách đánh giá bản thân khi đáp ứng những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống; không phải lúc nào bản thân sống với chính mình là đồng nghĩa với việc tôi sống hưởng thụ, khoái lạc và thiếu lành mạnh đâu ! Thật ra, yêu mình cho đúng đắn và đầy đủ đòi buộc chủ thể phải chân nhận những nhu cầu chính đáng.

Nếu như bạn không tìm cho mình một không gian để bộc lộ cảm xúc vì đang yêu và được yêu thì bạn trở thành nạn nhân của chính mình hoặc nếu như bạn bị người khác khinh thường mà không tìm được một nơi nương tựa như thể mình được tôn trọng xứng đáng thì khi ấy, bạn là nạn nhân của chính mình…Nói như thế để thấy rằng mỗi chúng ta cần thiết lập những tương giao đích thực, nhờ đó, mỗi người được sống với những nhu cầu, khát khao và hoài bão của mình. Ở đó, mỗi người được tôn trọng như mình là, được yêu và sống yêu phù hợp với tích cách của chính mình, và thực sự cảm nhận sự an toàn trong cuộc sống để có thể đảm nhận và sáng tạo cuộc sống vốn tốt đẹp và thánh thiêng.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây